CHI BỘ TRUNG TÂM HỌC LIỆU VỀ NGUỒN TẠI DI TÍCH ĐÀI KỶ NIỆM (ĐÀI CHIẾN SĨ) – TỈNH ĐỒNG NAI
Được sự chấp thuận của Đảng Ủy, Ban Lãnh đạo nhà trường, chiều ngày 20/12/2022 Chi bộ Trung tâm Học liệu đã tổ chức chuyến tham quan học tập chính trị về nguồn cho toàn thể Đảng viên của Trung tâm tại Di tích Đài Kỷ niệm (Đài chiến sĩ).
Ngày nay nhiều người biết đến Đài Kỷ niệm – còn gọi là Đài Chiến sĩ ở Biên Hòa, bởi nó nằm ở trung tâm thành phố, hàng ngày có hàng vạn người qua lại. Công trình này được Pháp xây dựng vào năm 1923 với tên gọi “Đài Kỷ niệm người Việt trận vong”. Trước đây, đài thuộc làng Bình Trước, tổng Phước Vinh Thượng, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Năm 1923, sau năm năm kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), khi những nấm mồ nạn nhân chiến tranh phi nghĩa đã xanh cỏ, khi những giọt nước mắt khóc thương của người thân đã khô cạn, chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng đài để làm gì? Những oan hồn mà tên họ được khắc trên bia đá kia là ai? Câu hỏi đó không khỏi làm băn khoăn lòng người khi dừng chân bên Đài Kỷ niệm.
Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp đã vạch rõ sự mị dân một cách lố bịch của chính quyền thuộc địa Pháp về sự kiện “Những ngày hội ở Biên Hòa” khi tổ chức khánh thành “Đài kỷ niệm người Việt trận vong” ngày 21/01/1923. Theo bài diễn văn của công sứ Pháp đọc tại buổi lễ thì tên tuổi những người được tạc trên bia kia là “Những thanh niên bản xứ tình nguyện rời bỏ quê hương lên đường sang Pháp để chiến đấu bảo vệ “mẫu quốc” và hiến thân cho sự nghiệp thiêng liêng cao cả ấy”. Con số thanh niên Việt Nam “tự nguyện hiến thân” ấy là bao nhiêu? Trong chương “Thuế máu” của tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Tổng cộng có bảy mươi vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy, tám vạn người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa…” Mỉa mai thay người ta bảo họ tình nguyện, họ tình nguyện trong cảnh bị vây ráp, dồn ép trước những lính Pháp canh gác, lưỡi lê tuốt trần, đạn lên nòng sẵn.
Chúng ta đọc lại phần kết chương Thuế máu của Nguyễn Ái Quốc để hiểu rõ cảnh mị dân lố bịch và phong tục kỳ quái mà chính quyền thuộc địa Pháp tổ chức “Những ngày hội ở Biên Hòa”.
“…Để lấy tiền bỏ vào quỹ xây dựng Đài kỷ niệm người Việt trận vong của tỉnh Biên Hòa, ban tổ chức ngày hội đang tích cực chuẩn bị một chương trình tuyệt diệu. Người ta bàn tán sẽ có nào là yến tiệc giữa vườn theo kiểu Anh, nào là chợ phiên, nào là khiêu vũ ngoài trời…Tóm lại, sẽ có nhiều và đủ thứ trò chơi để ai ai cũng có thể góp phần làm việc nghĩa một cách thú vị nhất đời…Ngày 21 tháng 1 tới, chúng ta hãy đi Biên Hòa, chúng ta sẽ vừa được dự những hội hè linh đình vui tươi, vừa được dịp tỏ cho những gia đình tử sĩ Việt Nam ở Biên Hòa thấy rằng chúng ta tưởng nhớ đến sự hy sinh của con em họ.
Thật là thời đại khác, phong tục khác.
Nhưng phong tục kỳ quái làm sao!”
Người khẳng định: “Như thế là trong một việc mà chính quyền thuộc địa đã phạm hai tội ác đối với nhân dân”.
Đài Kỷ niệm ở Biên Hòa vẫn còn đó, sừng sững giữa không gian và thời gian. Ba phần tư thế kỷ khói lửa ngập tràn, những kẻ thù xâm lăng Pháp, Nhật, Mỹ lần lượt ra đi sau thất bại nhục nhã ê chề. Đài kỷ niệm ở Biên Hòa không chỉ là tấm bia câm lặng về những người đã chết. Qua Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã biến nó thành bản cáo trạng hùng hồn, lên án chế độ thực dân tàn bạo, chà đạp lên một dân tộc. Những quốc gia, dân tộc và cả những số phận bị áp bức ấy chỉ còn một con đường duy nhất là vùng lên tự giải phóng.
Qua chuyến tham quan, các đồng chí Đảng viên hiểu rõ hơn về Di tích Đài Kỷ niệm và hun đắp thêm tinh thần yêu quê hương đất nước, truyền thống cách mạng của cha ông ta.
Nguồn : Cổng thông tin điện tử Tỉnh Đồng Nai
Sau đây là một số hình ảnh buổi tham quan: